ALEXANDRE DE RHODES VÀ CHỮ QUỐC NGỮ

Cho đến nay, sau khi có nhiều nghiên cứu, người ta đã có thể khẳng định Alexandre de Rhodes không phải là người tạo ra chữ quốc ngữ, không thể gọi Alexandre de Rhodes là cha đẻ chữ quốc ngữ.

Đó là một quá trình do nhiều người tham gia mà đầu tiên là linh mục bề trên Francisco de Pina và các cộng sự của ông đã khởi xướng việc này từ trước đó đã lâu. Cũng đã có hai cuốn tự điển soạn bởi các sư huynh của Alexandre De Rhodes là Antonio Barbosa và Gaspar do Amaral. Rất tiếc toàn bộ hồ sơ đó của các tu sĩ Bồ Đào Nha không biết vì lý do gì đều đã bị mất kể cả những giấy tờ, thư từ đều thất lạc không tìm thấy.

Cuốn tự điển Việt-Bồ-La của Alexandre De Rhodes lại là cuốn tự điển còn lại cho đến ngày nay. Thật ra trong cuốn tự điển này đã sử dụng nhiều tư liệu từ hai cuốn tự điển Việt Bồ và Việt Bồ La, một của Antonio Barbosa và một của Gaspar do Amaral. Cuốn này chỉ có 8000 từ, và như vậy cũng chỉ là những nền móng căn bản của chữ quốc ngữ. Bên cạnh đó, trong 8000 từ này, hiện nay có rất nhiều từ không còn trong tiếng Việt hoặc không còn sử dụng nữa. Đó là chưa kể nhiều từ phiên âm không chính xác. Như vậy, công lớn của Alexandre De Rhodes chỉ là người kế thừa và phát huy rất tốt những công trình của người đi trước bằng cuốn tự điển Việt- Bồ – La và Sách Phép Giảng Tám Ngày,

Năm 1912, giáo sĩ người Pháp Léopold Michel Cadière trong cuộc hội thảo về văn hóa VN tại Paris đã cho rằng công lao phát minh ra chữ quốc ngữ thuộc về giáo sĩ người Pháp Alexandre de Rhodes (1591-1660). Léopold Michel Cadière là một học giả rất có uy tín thời bấy giờ, do vậy, lời khẳng định của ông được mọi người đồng lòng, và cũng bởi cho đến thời điểm ấy cũng chưa có công trình nghiên cứu nào khác về chữ quốc ngữ.

Tuy nhiên sau đó, nhiều học giả Việt Nam và nước ngoài đã có những nghiên cứu và lập luận khác, đã nhắc đến đóng góp và công lao của Linh mục Francisco de Pina rồi Antonio Barbosa và Gaspar do Amaral cùng nhiều người khác nữa để khẳng định Alexandre De Rhodes là người tiếp tục, kế thừa và phát huy. Nhưng công lao của Alexandre De Rhodes giúp cho chữ quốc ngữ phát triển và tồn tại, người Việt không thể quên lãng được.

Chữ quốc ngữ được như ngày nay chúng ta cũng không thể quên ơn của những người Việt Nam như Pétrus Trương Vĩnh Ký, Paulus Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn..những người đã tiên phong cổ suý cho chữ quốc ngữ phát triển. Chúng ta cũng không thể không nhắc đến cụ Phan Chu Trinh cùng các nhân sĩ cùng thời, phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, là những người đã vận động, hô hào nhân dân sử dụng chữ quốc ngữ. Cũng không thể quên công lao các nhà văn, nhà thơ ở miền Nam, những người tiên phong viết văn, viết báo bằng chữ quốc ngữ, và nhóm Tự Lực Văn đoàn ở đầu thế kỷ XX đã hoàn thiện chữ quốc ngữ ngày càng tinh tế và trong sáng như hôm nay.

Nhiều người cho rằng Alexandre De Rhodes là người đã đưa đường chỉ lối cho thực dân Pháp sang xâm chiếm nước ta. Những người này căn cứ vào câu trích ở trang 304 quyển Lịch sử Việt Nam, tập 1, do Ủy ban KHXH Việt Nam xuất bản tại Hà nội năm 1971, với ghi chú là trích từ quyển Divers voyages et missions en Chine et autres royaumes de l’Orient (Những cuộc hành trình và truyền giáo ở Trung Quốc và các vương quốc khác ở phương Đông) của Alexandre de Rhodes, Paris, 1653.

Đoạn trích bày có nguyên văn như sau: “Đây là một vị trí cần được chiếm lấy và chiếm được vị trí này thì thương gia Âu châu sẽ tìm được một nguồn lợi nhuận và tài nguyên phong phú” và cho rằng đây là một báo cáo của Alexandre de Rhodes, thế nhưng, cho đến nay chưa ai tìm được nguồn gốc của đoạn trích này. Và có thể cho đó là lời bịa đặt dịch từ La conquête de l’Indochine của A. Thomazi, do Payot xuất bản lần đầu tại Paris năm 1934.

Các nhà truyền giáo khi đến xứ ta với mục đích cơ bản là để truyền đạo. Và để dễ dàng cho việc rao giảng, họ đã cố gắng học và tìm hiểu tiếng Việt và từ đó sản sinh ra chữ quốc ngữ. Nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt nam vào năm 1533. Cha Francisco de Pina đến Việt nam khoảng năm 1617 và mất năm 1625. Linh mục Alexandre de Rhodes đến Việt nam năm 1624.

Năm 1858, Pháp bắt đầu xâm lược Việt nam. Như thế, 300 năm sau từ khi các nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt nam và gần 200 năm sau khi các người ấy qua đời thì thực dân Pháp mới xuất hiện. Hà cớ gì gán tội cho những nhà truyền giáo ấy trong đó có Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes là những người mở đường cho Pháp xám chiếm Việt Nam. Suy nghĩ như thế là võ đoán và cực đoan vô căn cứ. Là lối suy luận bịa đặt. Không thể kết tội như thế được.

Trong Sách Phép Giảng Tám Ngày, Alexandre de Rhodes thêm chương Bốn với tựa là ‘Những Đạo Vạy’ để miệt thị tam giáo Phật Lão Nho cũng như tục thờ cúng tổ tiên của người Việt. Lời lẽ đụng chạm Phật giáo khá trịch thượng và thô lỗ, ông gọi Phật là thằng Thích Ca, chê bai, chỉ trích Đức Phật và Phật giáo. Chính điều đó mà giới Phật tử lên án ông, ông thầy chùa Thích Nhật Từ, người cũng chuyên tìm cách nói xấu các tôn giáo khác trong các bài thuyết pháp của mình, người đang đi tu lại chuyên thọc vào chuyện đời đầy sân hận như bài ca của đám trẻ trâu, dán bùa, bán bút cho các học sinh chuẩn bị đi thi như một tay phù thuỷ khó chịu với ông và hả hê khi thấy tên Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina không được chính quyền Đà Nẵng duyệt xét đặt tên đường.

Cuốn sách Sách Phép Giảng Tám Ngày là cuốn sách có in chữ Quốc ngữ đầu tiên của Việt Nam được in vào năm 1651 tại Ý. Cuốn sách đang được lưu giữ tại nhà thờ Mằng Lăng thuộc xã An Thạch huyện Tuy An tỉnh Phú Yên. Sách Phép giảng tám ngày là cuốn giáo lý được in song ngữ bằng tiếng Latin và chữ Quốc ngữ sơ khai song song nhau. Đọc sách này ta sẽ thấy Alexandre de Rhodes đã phiên âm không chính xác. Ví dụ: để ghi từ “sách”, người ta viết sayc, để ghi từ “nước mặn”, người ta viết nuocman, để ghi từ “ông nghè”, người ta viết ungue, ungué, ungné, ounghe, oungueh… Hay người ta viết ũ để ghi vần ung (ví dụ cũ = cung), viết oũ để ghi vần ông (ví dụ soũ = sông).

Có một điều không thể chối cãi được là nhờ Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes và nhiều người khác nữa sáng tạo ra chữ quốc ngữ từ chữ La tinh mà ngày nay chúng ta có được một thứ chữ dễ học, dễ nhớ, thể hiện được tâm tư, tình cảm của chúng ta bằng chữ viết. Nếu tiếp tục bằng chữ Hán hoặc chữ Nôm, người Việt vẫn thể hiện được mình, vẫn tiếp thu văn minh, văn hoá thế giới như người Nhật, người Hàn… nhưng sẽ khó học hơn cho số đông quảng đại quần chúng và lệ thuộc nhiều hơn nữa văn hoá Trung Hoa.

Dù Alexandre de Rhodes không phải là người khai sinh, nhưng nhờ ông mà chữ quốc ngữ được phát huy và lưu giữ bằng tư liệu của thuở ban sơ. 8000 từ trong cuốn tự điển của ông do đánh vần và cũng có thể phát âm sai nên giờ có nhiều từ không sử dụng được nữa. Ông cũng chứng tỏ bản thân chưa nắm vững văn hoá, phong tục và tín ngưỡng của dân tộc Việt nên văn phong thoá mạ không đúng trong Sách Phép Giảng Tám Ngày.

Dù vậy, chúng ta cũng nên có nghĩa vụ nhớ ơn những người đã khai sáng ra chữ viết đó, chứng tỏ dân tộc ta biết trọng ân nghĩa, sống có tình, có lý, không phải là kẻ vô ơn.
29.11.2019
DODUYNGOC

Từ điển Việt Bồ La – Dictionarium Annamiticum Lusitanum et – Latinum

Phép giảng tám ngày

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *